Lượt xem: 5653

Kỷ niệm 81 năm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940 – 23/11/2021): Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 - sáng mãi khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt

Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có rất nhiều sự kiện vàng son, không chỉ đánh dấu mốc mà còn chứa đựng những bài học kinh nghiệm cho mai sau. Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra từ ngày 23/11/1940 đến ngày 31/12/1940, cách đây 81 năm là một trong những mốc son chói lọi ấy.

    Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Sự chà đạp và tước đoạt của thực dân Pháp đối với nhân dân ta lên đến cực điểm cùng mưu mô đầu hàng thỏa hiệp với phát-xít Nhật đã đặt ra trước mắt vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt.

    Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, không cam chịu cuộc sống nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên tranh đấu. Tháng 3/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư đã thảo ra “Ðề cương chuẩn bị bạo động”. Từ tháng 7 đến tháng 10/1940, Ðảng bộ Nam kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang với chủ trương thành lập ban chỉ huy và ban quân sự các cấp; xác định hình thức chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu; đề ra các chính sách đối với nhân dân… Chỉ trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai rất khẩn trương; các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn. Mít tinh, biểu tình liên tiếp nổ ra. Các đội tự vệ, du kích phát triển ngay trong những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như nhà máy đóng tàu Ba Son, nhà máy đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ... Ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Các cơ sở sản xuất vũ khí làm việc suốt ngày đêm. Nhân dân quyên góp kim khí để đúc đạn... Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính ngày càng lan rộng. Công tác binh vận được tổ chức ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.


Nhân dân Nam bộ trong cuộc khởi nghĩa ngày 23/11/1940. Ảnh: Tư liệu.

 

    Ðến giữa tháng 11/1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam kỳ quyết định phát động toàn Nam kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy ở các tỉnh Nam kỳ.

    Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940. Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường... Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình. Bọn phản cách mạng bị xét xử. Ruộng, thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.

    Tại Sóc Trăng, chấp hành sự lãnh đạo của Xứ ủy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời, khi tiến hành khởi nghĩa gặp không ít khó khăn, chưa được chuẩn bị chu đáo cho cuộc khởi nghĩa; mặt khác phong trào quần chúng phát triển mạnh, nhưng chưa đều khắp. Tuy vậy, công việc chuẩn bị khởi nghĩa vẫn được tiến hành triển khai ở nhiều nơi như: An Lạc Thôn, đồn điền La Bách (quận Kế Sách), ngã tư Cột Lồng Đèn (thuộc tỉnh lỵ Sóc Trăng), Châu Khánh, Trường Khánh, Tân Thạnh (huyện Long Phú), Lạc Hòa (huyện Vĩnh Châu) và Hòa Tú (huyện Mỹ Xuyên). Do nhận lệnh khởi nghĩa quá gấp rút (14 giờ ngày 22/11/1940, Ban Cán sự tỉnh mới nhận được lệnh khởi nghĩa); mặt khác, kế hoạch khởi nghĩa chung toàn Nam kỳ bị lộ, địch có sự tập trung chuẩn bị đối phó, tuần tra, canh gác. Riêng làng Hòa Tú, khi được phổ biến chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa, đồng chí Văn Ngọc Chính, Bí thư chi bộ - Trưởng Ban Chỉ huy khởi nghĩa các đảng viên chuẩn bị kỹ và tiến hành cùng nghĩa quân lần lượt đánh chiếm 4 mục tiêu: Đồn Cổ Cò (Nhà việc làng Hòa Tú), nhà Hương quản Tệt, nhà địa chủ Nguyễn Tấn Lễ và đồn điền Trương Vĩnh Khánh. Nghĩa quân giải tán bộ máy hội tề làng Hòa Tú và thiêu hủy toàn bộ hồ sơ, sổ sách của địa chủ ghi nợ tá điền, thu được 7 súng, giành quyền làm chủ ở làng Hòa Tú. Cuộc khởi nghĩa ở Hòa Tú giành được thắng lợi trọn vẹn theo đúng kế hoạch, gây tiếng vang trong cả nước, góp phần cùng Nam kỳ lập nên những kỳ tích hào hùng của “miền Nam Thành đồng Tổ quốc”.

    Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man cuộc khởi nghĩa. Rất nhiều đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sỹ đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết chóc vô cùng tàn bạo với bao tổn thất. Các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của dân tộc, của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Đăng Lưu… đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù.

    So với cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) cũng như so với hai cuộc khởi nghĩa cùng diễn ra trong năm 1940 (khởi nghĩa Ba Tơ 11/3 và khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9), thì khởi nghĩa Nam kỳ có quy mô rộng khắp. Đó là một cuộc diễn tập lớn nhất và mạnh mẽ nhất của đồng bào Nam bộ và của cả nước, kể từ khi thực dân Pháp xâm lược (năm 1858) cho đến thời điểm đó. Tuy thất bại nhưng Khởi nghĩa Nam kỳ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Khởi nghĩa Nam kỳ là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng vũ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

    Từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, nhiều cán bộ của Đảng được rèn luyện, thử thách. Sau khởi nghĩa, một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân đã trưởng thành và đảm đương những trọng trách mà Đảng ta giao phó về sau. Từ đây, có hàng vạn quần chúng nhân dân yêu nước được thử thách trong đấu tranh, tiếp tục đi theo Ðảng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới giành thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ còn mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc và đi vào lịch sử như một trong những bản hùng ca bi tráng nhất trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam bộ; thể hiện tinh thần yêu nước cháy bỏng; khẳng định bản lĩnh kiên cường, bất khuất, ý chí quyết chiến, quyết thắng, một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo cách mạng của quân dân Nam bộ vì khát vọng độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, là gương anh hùng, dũng cảm cho nhân dân cả nước noi theo.

    Đã 81 năm trôi qua, nhưng cho đến nay, cuộc khởi nghĩa vẫn còn nguyên giá trị về ý nghĩa lịch sử và bài học sâu sắc, đi vào lịch sử như một bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, sự hy sinh oanh liệt và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là minh chứng sinh động, hùng hồn, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta về việc đặt nhiệm vụ phản đế lên hàng đầu; là cơ sở thực tiễn để Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5/1941 tổng kết, hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, quyết định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền toàn quốc; là bước tập dượt quan trọng để chúng ta giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

    Với chiến tích vẻ vang, mang tầm chiến lược này, ngày 14/4/1948, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 163/SL tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam bộ, nhằm tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa đối với lịch sử cách mạng Việt Nam.


Sắc lệnh số 163-SL (ngày 14-4-1948) tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đội quân Khởi nghĩa Nam Bộ.

 

    Thời gian ngày càng lùi xa, đất nước ta ngày càng phát triển, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín ngày càng tăng lên thì giá trị của sự hy sinh cao cả của cả dân tộc ta càng được khẳng định sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Hào khí của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ hội tụ và tiếp tục lan tỏa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của Khởi nghĩa Nam kỳ tiếp tục được Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Nam bộ hôm nay kế thừa, phát huy trong quá trình xây dựng quê hương giàu đẹp; đưa Nam bộ Thành đồng trong kháng chiến trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, toàn diện, đổi mới sáng tạo, giàu bản sắc; trở thành khu vực tiên phong trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

    81 năm qua, hào khí Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940 vẫn luôn không ngừng được hun đúc và toả sáng qua các thế hệ, trở thành nguồn sức mạnh to lớn góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta hôm nay có trách nhiệm lan toả tinh thần, ý chí và hào khí đó trở thành khát vọng phát triển quê hương, đất nước; phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần yêu nước và truyền thống anh hùng của Nam bộ thành đồng nói chung, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, Sóc Trăng… nói riêng; trở thành động lực và nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; biến sự kiên cường, thông minh, gan dạ trong chiến đấu trở thành bản lĩnh, kiên trì, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, kinh doanh; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, hết mực trung thành với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

    Hào khí, tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của đồng bào và chiến sỹ trong Khởi nghĩa Nam kỳ sẽ mãi mãi là một mốc son chói lọi sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta./.

Anh Võ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 48
  • Hôm nay: 6399
  • Trong tuần: 77,106
  • Tất cả: 11,800,426